Thông tư 50/2016/TT-BYT – Quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm

0

BỘ Y TẾ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 50/2016/TT-BYT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH GIỚI HẠN TỐI ĐA DƯ LƯỢNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT TRONG THỰC PHẨM

Căn cứ Luật an toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm được sản xuất trong nước, nhập khẩu.

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (Maximum Residue Level – viết tắt là MRL) là hàm lượng tối đa của một tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm (đơn vị tính: mg/kg thực phẩm).

2. Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (Pesticide Residue) là các chất tồn dư trong thực phẩm do sử dụng một loại thuốc bảo vệ thực vật.

Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật có thể từ các nguồn chưa biết, không thể tránh khỏi (như từ môi trường) hoặc từ việc sử dụng hóa chất.

Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật bao gồm các dẫn xuất của thuốc bảo vệ thực vật như các sản phẩm chuyển đổi, chuyển hóa, sản phẩm phản ứng và các tạp chất được coi là có ý nghĩa về độc tính.

3. Giới hạn tối đa dư lượng từ nguồn khác (Extraneous Maximum Residue Limit – viết tắt là EMRL) là hàm lượng tối đa trong thực phẩm của một tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất ô nhiễm từ môi trường (bao gồm cả việc sử dụng các hóa chất trong nông nghiệp trước đây), không bao gồm tồn dư từ việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất ô nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thực phẩm (đơn vị tính: mg/kg thực phẩm).

4. Lượng ăn vào hằng ngày chấp nhận được (Acceptable Daily Intake – viết tắt là ADI) là lượng ăn vào hằng ngày của một hóa chất trong suốt cuộc đời mà không gây hại tới sức khoẻ con người (đơn vị tính: mg/kg thể trọng).

5. Mã số thuốc bảo vệ thực vật (viết tắt là Code) là mã số thuốc bảo vệ thực vật của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (CODEX).

Điều 3. Ban hành giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm

Giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm được quy định tại Phụ lục ban hành kèm Thông tư này.

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.

Phần 8 “Giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm” ban hành kèm Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về “Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm” hết hiệu lực từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

2. Cục An toàn thực phẩm có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) để xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
– VPCP (Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ);
– Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương;
– Bộ trưởng (để b/c);
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế;
– Lưu: VT, PC, ATTP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Thanh Long

Share.

About Author

Leave A Reply