Không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm
Hầu hết các loại thức ăn hiện nay thường sử dụng các loại phụ gia thực phẩm như: bột ngọt, muối, chất tạo màu, chất tạo ngọt… Phụ gia thực phẩm được sử dụng hợp lý, đúng tiêu chuẩn sẽ tạo được khẩu vị ăn ngon, thuận tiện trong sản xuất, bảo quản…
Theo Luật An toàn thực phẩm, Phụ gia thực phẩm là “chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm”. Theo Ủy ban Tiêu chuẩn hóa Thực phẩm Quốc tế (Codex Alimentarius Commission- CAC), Phụ gia thực phẩm là “một chất, có hay không có giá trị dinh dưỡng, bản thân nó không được tiêu thụ như một thực phẩm hay như một thành phần của thực phẩm và khi bổ sung nó vào thực phẩm nhằm giải quyết mục đích công nghệ trong sản xuất, hoặc để chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển thực phẩm hoặc để cải thiện kết cấu, đặc tính kỹ thuật của thực phẩm đó”.
Phụ gia thực phẩm
Từ lâu, loài người đã biết sử dụng một số phụ gia thực phẩm để chế biến thực phẩm như bảo quản bằng cách làm chua với dấm (dưa chua), hoặc làm mặn với ướp muối (thịt, cá muối)…. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, công nghiệp thực phẩm cũng phát triển theo để đáp ứng nhu cầu của con người, sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, hấp dẫn. Việc sử dụng các chất phụ gia trong chế biến, bảo quản ngày càng được coi trọng, có thể kể một số phụ gia thực phẩm thông dụng như: chất điều chỉnh độ chua (axít citric, axít tartaric, axít lactic…), chất tạo đặc (thạch rau câu hay pectin trích từ vỏ cam quit…), chất giữ ẩm (sorbitol…), chất nhũ hóa (lecithin trích từ đậu nành..), chất chống oxy hóa (vitamin C…), chất bảo quản chống nấm mốc (hóa chất propionat dùng trong bánh mì, pho mát..), chất ngọt tổng hợp (aspartame, acesulfame K…), chất cung cấp dinh dưỡng (iod trong muối, axít folic trong thực phẩm dành cho phụ nữ có thai, vitamin D trong sữa bột)…
Hiện nay, trên thị trường hương liệu, phụ gia rất đa dạng về chủng loại, tồn tại dưới dạng bột, viên hoặc nước. Chỉ cần có nhu cầu, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các chất phụ gia tại cửa hàng, sạp chợ. Tuy nhiên, việc sử dụng phụ gia không đúng liều lượng, chủng loại, đặc biệt phụ gia không được phép sử dụng sẽ gây tác hại khôn lường cho sức khỏe.
Phẩm màu sử dụng trong thực phẩm
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Nguyên Phó Giám đốc Đại Học Quốc Gia Hà Nội, việc sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây những tác hại cho sức khỏe:
– Gây ngộ độc cấp tính: nếu dùng quá liều cho phép.
– Gây ngộ độc mạn tính: dù dùng liều lượng nhỏ nhưng thường xuyên, liên tục, một số phụ gia thực phẩm tích lũy trong cơ thể, gây tổn thương lâu dài, đặc biệt nếu tiêu thụ phụ gia thực phẩm bị cấm. Có thể gây ra hội chứng ngộ độc mạn tính: ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mạn tính, da xanh xao, động kinh, trí tuệ giảm sút… Có nguy cơ gây hình thành khối u, ung thư, đột biến gen, gây quái thai ở phụ nữ mang thai…
Sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo khi sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất chế biến thực phẩm phải tuân thủ các nguyên tắc sau: sử dụng đúng loại phụ gia thực phẩm trong danh mục, đúng đối tượng, đúng hàm lượng theo quy định của Bộ Y tế. Các phụ gia thực phẩm phải đảm báo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng và phải đáp ứng yêu cầu về an toàn theo quy định tại các Quy chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng.
Tuân thủ Thông tư số 24/2019/TT-BYT về quản lý và sử dụng Phụ gia thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm
Đối với người dân khi chọn mua thực phẩm, người tiêu dùng nên lưu ý lựa chọn các sản phẩm có dán nhãn, niêm yết giá rõ ràng, không nên ham rẻ mà mua hàng không rõ nguồn gốc. Nhãn mác phải có đầy đủ thông tin như: Tên hàng hóa, địa chỉ sản xuất, hướng dẫn sử dụng, thời hạn bảo quản…; hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn phụ ghi những thông tin thuộc nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt đính kèm nhãn gốc. Ðối với thực phẩm đã chế biến, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng và có ghi chú về chất phụ gia.
Hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020”, Vì sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh tuyệt đối KHÔNGsử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm./.
Thanh Trúc – Phòng Thông Tin, Giáo Dục, Truyền Thông
Nguồn:
– Luật An toàn thực phẩm;
– Cục An toàn thực phẩm;
- Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng Phụ gia thực phẩm;
- Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa
- Tờ rơi Hướng dẫn Kinh doanh, Sử dụng Phụ gia thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm